Kỳ 4: Đền đài, thư viện và nhà thổ
Ephesus là thành phố La Mã lớn thứ hai trong thời kỳ cổ đại, nơi có ngôi đền Artemis – một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, được cho là điểm đáng tới thăm đầu tiên trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Thư viện Celsus – Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Chúng tôi rời Kusadasi để đến vùng Pamukkale. Trong một ngày nắng chói chang dù ngoài trời chỉ 22 độ C, một khung cảnh vô cùng bi tráng hiện ra trước mắt: thành phố cổ đại trứ danh Ephesus.
Bước từng bước trên lối đi Curetes, qua hai hàng cột dài tít tắp kiểu Hy Lạp, nhìn bao quát một lượt để hình dung, nơi đây từng có 250.000 người sống dưới thời Roma. Hàng ngàn năm trước Công nguyên (TCN), vùng đất này rất gần với biển và có đến 4 hải cảng lớn. Theo thần thoại Hy Lạp, xứ Ephesus là do các nữ chiến binh Amazon xây dựng, trong đó có một nàng tên là Ephesus. Ephesus hiện tại là công trình do Lysimakhos, một vị tướng của Alexander đại đế, xây dựng khoảng năm 300 TCN. Thời Roma là trung tâm của đế chế La Mã. Kỳ vĩ là thế mà bây giờ là thế này đây.
Ephesus nổi danh với ngôi đền thờ nữ thần Artemis – Thần Mẹ, biểu tượng sinh sôi, được xếp là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, sánh ngang kim tự tháp Ai Cập, vườn treo Babylon…
Lịch sử ghi dấu kẻ đốt đền
Ngày 21 tháng 7 năm 356 TCN, một kẻ cuồng danh tên là Herostratus đã đốt đền, chính quyền khi ấy xử tử y và hạ lệnh muôn đời sau không ai được nhắc đến cái tên ô uế đó. Nhưng rồi nhân loại đã không ngừng nhắc đến hắn, thậm chí còn được đào sâu bằng nhiều quan điểm khác nhau như chúng ta đã biết qua các vở kịch kinh điển gắn với ba từ “kẻ đốt đền”.
Cách ngôi đền này không xa theo hướng từ cổng đi vào, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước sự hoành tráng của thư viện Celsus, từng là một trong ba thư viện lớn nhất cổ đại. Thư viện được đặt theo tên viên thống đốc Celsus của phần châu Á thuộc đế chế La Mã. Bốn hốc tường phía trước thư viện đặt các bức tượng biểu tượng cho nhân cách của con người gồm Arete (dũng cảm), Ennoia (trí tuệ), Episteme (kiến thức) và Sophia (thông thái). Khi còn tồn tại thư viện có đến 12.000 đầu sách. Bao quanh là hai lớp tường với khoảng cách 1 m ở giữa nhằm tránh độ ẩm và nhiệt độ cao, mới hiểu, người cổ đại đã coi trọng kho tàng kiến thức đến mức nào.
Nhà thổ cạnh thư viện
Nhưng điều này mới thật là kỳ lạ. Đối diện với thư viện, bên kia đường là khu ăn chơi. Kỹ nữ ở trong những căn phòng trên tầng hai, tầng dưới là nơi đón khách và xướng ca. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được trong ngôi nhà này pho tượng Priapus, một người đàn ông mang dương vật ngoại cỡ. Bây giờ người ta mô phỏng để bán trong các cửa hàng lưu niệm nhưng chúng tôi không đủ can đảm để mang về nhà.
Nhà thổ này được xây dựng dưới triều hoàng đế Trajan (năm 98 đến năm 11 TCN). Trước lối vào nhà thổ có một phiến cẩm thạch lớn khắc hình bàn chân đàn ông. Đồn rằng khách làng chơi bước đến trước cửa phải rửa chân rồi đặt bàn chân mình lên đấy, phiến đá lập tức in hằn dấu chân khách. Người Hy Lạp, La Mã cổ đại tin rằng dấu chân tiết lộ kích thước dương vật để các kỹ nữ chọn. Nhưng cũng có người lý giải đó là dấu chân các kỹ nữ, họ đặt lên đó để khách làng chơi đo đạc thế nào đó mà tính ra kích cỡ vùng kín các kỹ nữ mà lựa chọn. Lập luận này có vẻ có lý hơn. Rất lạ, ngay cả khi trời nắng gắt, phiến đá vẫn đẫm nước. Cô Sisi, người hướng dẫn tin rằng, đây là bằng chứng cho thấy công nghệ quảng cáo đã hình thành từ thuở xa xưa. Phía sau thư viện là một khu chợ rất lớn. Từ chợ có một đường hầm xuyên qua dưới con đường đá cẩm thạch để vào nhà thổ.
Từ thư viện, đi ngược lại lối vào, bên phải là khu nhà của các quý tộc vẫn còn nhận diện được do nó hoàn toàn bằng đá, bên trái là khu nhà tắm, cạnh đó là nhà vệ sinh công cộng với hàng chục bệ ngồi bằng đá cẩm thạch đặt sát nhau. Trình độ kiến trúc của người La Mã đã đạt đến sự phát triển cao khi thiết kế hệ thống nước chảy bên dưới và luồng không khí xoay vòng để đảm bảo vệ sinh. Cô Sisi nói, theo những gì cô đọc được thì mỗi khi ông chủ đi vệ sinh người đầy tớ phải đến ngồi trước cho bệ đá ấm lên.
Nhưng hùng vĩ hơn cả là nhà hát hình tròn, giống hình một sân vận động, hàng ghế là những bậc tròn cao dần lên hơn 30 m, có 25.000 chỗ ngồi, đây cũng chính là đấu trường.
Suốt gần 2.000 m, dọc theo phố Curates, những cột đá được chạm khắc tinh xảo, thể hiện một trình độ mỹ thuật đỉnh cao. Người ta nói, hầu hết họa sĩ đều là nữ, trong đó nữ họa sĩ Timarata là người đã vẽ và tạc hình Thần Mẹ Artemis. Còn nhiều nhân vật khác mà chúng ta từng nghe danh, trong đó nổi tiếng nhất là triết gia Heraclitus cũng được tạc hình tại đây.
Theo con đường lát đá cẩm thạch đi sâu vào thành, thấy mình vô cùng nhỏ bé trước sự kỳ vĩ do chính con người tạo ra. Nhiều du khách tin rằng họ nghe cả tiếng vó ngựa, tiếng gươm khua, tiếng gào thét của các con thú và các võ sĩ giác đấu… Có lẽ vì bị ám ảnh, tôi cũng tin là mình đã nghe.
Theo Nguyễn Thế Thịnh-thanhnien
Xem thêm: