Khi shopping là… đấu trí

“Trả giá” – điểu phải biết khi shopping tại TNK

Nói thách và trả giá thường là vấn đề chẳng hay ho gì trong chuyện mua bán. Thế nhưng, vấn đề này lại trở thành một đặc trưng thú vị tại Thổ Nhĩ Kỳ (TNK)…

asdfafd

uCgi8K2i
Một người đàn ông bán kem vui tính – Ảnh: Huy Thọ

Chuyện mua sắm (shopping) là một thú vui nổi bật của người Việt khi đi du lịch nước ngoài. Vì vậy, những câu chuyện sắp kể ra sau đây hi vọng sẽ góp thêm chút ít kinh nghiệm cho những ai ưa thích đi du lịch.

Nâng tầm chuyện nói thách và trả giá

Không chỉ đàn ông chúng tôi, mà ngay chị em phụ nữ, có lẽ chẳng ai ưa cái chuyện kì kèo trả giá khi mua bán. Nó vừa gây mất thời gian, vừa làm người ta mệt mỏi.

Vì vậy, khi nghe cô Sibel – một hướng dẫn viên du lịch gạo cội của tập đoàn kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng Dorak của TNK – nói với các thành viên trong đoàn khách tìm hiểu thị trường du lịch Việt Nam về chuyện phải trả giá khi mua sắm, ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên.

Sao một quốc gia thu hút đến 35 triệu du khách/năm mà lại để xảy ra tình trạng này? Cô Sibel giải thích: “Quan điểm của người TNK là nói thách và trả giá là một cuộc đấu trí. Và sở dĩ du khách không cảm thấy khó chịu là vì người mua cứ thoải mái trả giá, nhưng không mua cũng chẳng sao”.

Đúng vậy, đi shopping khi du lịch Trung Quốc, nếu bạn lỡ miệng trả giá một tiếng, ắt sẽ thấy người bán bao vây ngay lập tức bằng nhiều chiêu trò gây khó chịu để ép du khách mua hàng. Điều đó cũng tương tự ở Việt Nam, người bán sẽ làu bàu, thậm chí đốt “phong long” nếu bạn trả giá mà không mua.

Riêng tại TNK, bản thân tôi và nhiều người khác đã thử nghiệm bằng cách nhiều lần trả giá thoải mái, thậm chí đến khi người bán gật đầu, nhưng mình từ chối không mua cũng chẳng gặp phiền toái gì.

Những thứ đáng mua sắm ở TNK là các món quà lưu niệm trị giá vài Lira (1 Lira tương đương 10.000 đồng) đến những sản phẩm nông sản nổi tiếng thế giới có giá vài chục Lira/kg như quả chà là, apricot, fyd (họ sung)…, và hàng cao cấp như áo da, đồ gốm, thảm trị giá vài trăm đến hàng chục, hàng trăm ngàn Lira.

Mức độ nói thách thì vô biên! Ví dụ một tấm thảm làm bằng sợi tơ tằm, dệt bằng tay (cao cấp nhất) được ghi giá 10.000 Lira. Sau một màn giới thiệu ngọt như mía lùi, người bán sẽ bảo rằng họ giảm giá đặc biệt 40%. Và trong 60% còn lại, bạn trả phân nửa là có thể nhận được cái gật đầu đồng ý.

Dĩ nhiên, người bán chỉ gật đầu sau một hồi thuyết trình về sản phẩm nghe ngọt tai, và nhích xuống từng chút một!

Để có thể hòa được trong cuộc đấu trí này (không có chuyện người mua thắng, vì nếu trả giá thấp dưới giá trị sản phẩm thì đời nào người bán chịu đồng ý), bạn cần tham khảo giá cả một cách kỹ càng trước khi đi du lịch TNK.

Phong phú kỹ năng mua bán

zkEYWD5M
Chào hàng với du khách về sản phẩm áo da – Ảnh: Huy Thọ

Tuy nhiên, điều mà chúng tôi thích thú nhất trong văn hóa kinh doanh của người TNK là họ có vô vàn kỹ năng để gây ấn tượng với du khách. Tôi vào mua vài lon bia trong một cửa hàng be bé, khi đưa tờ 50 Lira để thanh toán, anh chàng bán hàng trẻ tuổi khi cầm tiền đã lạnh lùng bảo ” tiền giả” và trả lại tờ giấy bạc.

Khi tôi đưa tay ra để cầm lại tờ bạc cùng với sự ngạc nhiên pha lo lắng, thì anh ta cười toe toét rút ngay tờ bạc lại với một cung cách hết sức điệu nghệ khiến người mua chưng hửng. Hay mọi anh chàng bán kem đều có đôi bàn tay dẻo như những ảo thuật gia để múa cây kem một vòng khi bạn đưa tay ra nhận.

Tất cả đều có kỹ năng chọc khách hàng. Chọc để khách bị bất ngờ và sau đó là cười thoải mái.

Nhưng ấn tượng nhất là hôm đi vào một cửa hàng gốm sứ cao cấp. Anh chàng giới thiệu sản phẩm đã đưa ra một chiếc đĩa to với đường kính xấp xỉ 50cm. Thoạt tiên, anh dùng hai ngón tay búng vào chiếc đĩa và nó vang lên tiếng “coong” kéo dài như đánh vào một cái chiêng.

Anh ta bảo một khách trong đoàn chúng tôi hãy búng thử. Sau cú thứ nhất anh bảo mạnh nữa đi. Đến cú búng thứ ba với hết sức bình sinh khiến chiếc đĩa trị giá hàng chục triệu đồng VN tuột khỏi tay người bán…

Cả đoàn như nín thở… Nhưng không, chiếc đĩa vẫn còn tòn ten trên tay người bán bởi một sợi dây được cột vào một lỗ nhỏ dưới đáy đĩa móc vào ngón tay cái một cách kín đáo! Sau một thoáng thót tim, cả đoàn ồ lên cười sảng khoái.

Và một khi đã vui, người ta thường móc hầu bao mua sắm!

asdfafd

 

Không trả giá nơi có ghi “Indirim”

Như mọi người đã biết, sự độc đáo của TNK bắt nguồn từ chỗ đây là nơi gặp gỡ của Âu và Á. Thường, với dân châu Âu, người ta không thích chuyện nói thách và trả giá. Vì vậy, ở TNK cũng có không ít cửa hàng không nói thách.

Cụ thể ở những cửa hàng nào người ta có bảng đề chữ “Indirim” thì bạn yên tâm không cần phải đấu trí!

Theo: Huy Thọ – tuoitre

Liên hệ