Kỳ 5: Có hai con ngựa thành Troy
Những người yêu thích hai kiệt tác trong văn học Hy Lạp cổ đại Iliad và Odyssey của Homer, những người yêu thích bộ phim nổi tiếng Cuộc chiến thành Troy hẳn đã từng ước mơ được một lần đặt chân đến Troy…
Con ngựa gỗ đặt trước thành Troy – Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Từ Istanbul đi Canakkale, thành Troy hiện ra trước mặt, một thành Troy có thật bằng đất, bằng đá chứ không phải trong truyền thuyết, tự nhiên thấy lạnh cả sống lưng, bởi lâu nay vẫn bán tín bán nghi như câu chuyện là ở trong thần thoại.
Trước cổng thành là một con ngựa gỗ khổng lồ, được người Thổ Nhĩ Kỳ dựng lại theo tưởng tượng về con ngựa thành Troy năm xưa. Du khách đến đây ai nấy đều leo lên chiếc thang, chui vào bụng ngựa để thử một lần cảm giác làm chiến binh và tất nhiên là để chụp hình lưu niệm.
Truyền thuyết bi tráng về ngựa gỗ khổng lồ
Con ngựa thành Troy trở thành điển tích là con ngựa gỗ mà quân Hy Lạp sử dụng để chiến thắng trong cuộc chiến thành Troia (cách gọi cổ).
Theo truyền thuyết, Paris – hoàng tử thành Troia tới viếng thành Sparta và đã gặp Helen, vợ của vua Menelaus, một phụ nữ có sắc đẹp tuyệt vời. Được nữ thần Aphrodite giúp đỡ, Paris đã chiếm được trái tim của Helen, và khi Paris rời Sparta, Helen bỏ Menelaus trốn theo Paris (cũng có truyền thuyết nói rằng Paris đã bắt cóc Helen, chi tiết này cũng được phim ảnh khai thác).
Tức giận, Menelaus tới cầu cứu anh là Agamemnon, vua của Mycenae, nhờ anh giúp trong công cuộc đoạt lại vợ. Nhưng đánh chiếm thành Troia không phải dễ, vì phải chuyển quân qua biển, và thành Troia nổi tiếng kiên cố với một đoàn quân thiện chiến, cầm đầu là dũng tướng Hector. Agamemnon nhờ Odysseus, vua của Ithaca, tới thuyết phục Achilles giúp đỡ.
Con ngựa gỗ được đoàn làm phim của Hollywood tặng lại
Achilles là con của Thetis, có mẹ thì bất tử nhưng bố là người trần. Để giúp con trường tồn, Thetis đã dốc ngược người cậu bé, hai ngón tay giữ gót chân, rồi nhúng cả người cậu vào nước sông Styx, vậy cả người Achilles là mình đồng da sắt, chỉ có gân nơi gót chân là không được nhúng nước.
Trận chiến kéo dài mười năm bất phân thắng bại. Dù Achilles đã giết được Hector nhưng quân Hy Lạp vẫn không sao vào được thành.
Một ngày kia Odysseus ra lệnh phá thuyền làm một con ngựa khổng lồ bằng gỗ, bên trong rỗng, cho quân núp vào trong đó. Đoàn quân còn lại vờ nhổ trại, lên tàu rút lui ra khơi. Người dân Troia thấy con ngựa khổng lồ thì lôi vào thành ăn mừng chiến thắng. Tối đó khi mọi người đã say ngủ vì uống rượu và nhảy nhót thì các binh lính của Hy Lạp đã phá ngựa, chui ra mở cửa thành cho quân xông vào, thành Troia thất thủ. Trong trận chiến, Achilles bị Paris bắn trúng vào gân gót chân, tử trận. Đó cũng là cội nguồn của thành ngữ gót chân Achilles.
Dấu tích thành cổ
Con ngựa đặt trước thành làm bằng gỗ ván, đầu cúi xuống, hơi buồn. Có thể nói ít nhất không giống với tưởng tượng của bản thân tôi. Còn con ngựa gỗ trong phim Cuộc chiến thành Troy giống với tưởng tượng hơn. Con ngựa này đã được đoàn làm phim của Hollywood tặng cho TP.Canakkale, bây giờ đặt tại quảng trường kề bến phà vượt eo biển nối Canakkale với Istanbul.
Nếu trước đó còn nhiều tranh cãi về sự hiện diện của thành thì vào năm 1865, nhà tài phiệt Heinrich Schiemann – người mở đầu cho hành trình gian nan đi tìm dấu tích thành Troy – cuối cùng cũng thành công. Đó là một đô thị rất cổ được xây dựng lần đầu tiên khoảng trong niên đại 3.000 năm trước Công nguyên với nhiều dấu tích như trong truyền thuyết. Năm 1998, thành Troy được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đường vào phế tích thành Troy hầu như chỉ có đá và đá. Cổng thành không như chúng ta tưởng tượng và cũng không giống trong phim. Nó được chất bằng đá tạo thành một lối vào ngoằn ngoèo, thấp hơn mặt đất bình thường (được lý giải là sụt xuống do động đất). Trong thành không bằng phẳng mà có nhiều thành nhỏ nằm trên các triền đồi tà tà. Thành ít cây cối, rải rác mới có những cây ô liu bám trụ kiên cường và xanh tốt cùng thời gian. Trong thành có một nhà hát xếp bằng đá theo hình vòng cung, khá nhỏ, chỉ chứa vài trăm người. Thỉnh thoảng có một cái giếng cổ, cạn, có lẽ hứng mạch nước ngầm chảy ra nhưng bây giờ đã không còn nguồn nước. Chúng tôi đến thành vào buổi trưa, thấy rất nhiều mèo hoang đi lại nhưng hiền lành và thân thiện khi du khách đưa thức ăn mời nó.
Từ bờ thành nhìn ra phía sau lưng là một thung lũng bao quanh, xa xa là eo biển Dardanelle nối giữa biển Aegeon và biển Marmara, nơi có thể kiểm soát mọi tàu thuyền từ Địa Trung Hải vào Hắc Hải. Vì thế nhiều người cho rằng nàng Helen chỉ là cái cớ để Hy Lạp đem quân tấn công thành Troy, vì eo biển Dardanelle sẽ mang lại cho vị vua Agamemnon đầy tham vọng cả quyền lực lẫn lợi ích kinh tế.
Cái hay trong kiệt tác của Homer là để cho người đọc tha hồ tưởng tượng theo cách của mình.
Theo: Nguyễn Thế Thịnh-thanhnien
Xem thêm: