Kỳ 7: Vừa đi vừa… ước
Không chỉ thiên nhiên ưu đãi mà con người Thổ Nhĩ Kỳ từ thời cổ đại đã tạo ra vô vàn kiệt tác với mỗi thứ đều là một kỳ quan. Tài sản vô giá đó ngày nay được khai thác một cách khoa học khiến nó giống như các cỗ máy in tiền.
Ngôi nhà Đức Mẹ Maria – Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Từ Istanbul, chúng tôi theo đường bộ đi hơn 2.000 km để ghé thăm và chiêm ngưỡng những điểm du lịch nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ (TNK). Đường rộng và êm, xe du lịch ở đây lại quá đẹp, tốc độ cho phép đến 120 km/giờ nên nó đúng nghĩa là “hàng không mặt đất”. Dorak là tập đoàn lớn, họ khai thác du lịch bằng cách khép kín, xe chở khách rất xịn, đến vùng nào cũng có khách sạn 5 sao và nhà hàng tuyệt đẹp, tất cả là của họ. Chính vì thế mà giá thành mỗi tour đều tốt nhất.
Người dân ở đây không có thói quen bám mặt đường mà sống như ở ta. Vì thế đi trên đường cũng là đã tham quan. Hầu hết là những cánh đồng, triền đồi mênh mông, nơi thì hướng dương vàng rực, nơi thì ô liu xanh ngắt, thỉnh thoảng mới thấy những cụm nhà xa xa dựng trên đồi cao. Tôi hỏi, nếu sống trên những ngọn đồi đó thì lấy nước ở đâu, cô Sisi nói rằng ở đây nếu có một người dân làm một ngôi nhà trên một ngọn đồi cao thì dù xa mấy cũng được cấp nước, đó là quyền của họ. TNK lại nhiều nắng, nhiều gió nên hầu hết mỗi ngôi nhà đều tự trang bị hệ thống điện gió, điện mặt trời và nước nóng.
Bức tường Ước
Đến thành phố cổ trứ danh Ephesus, tất nhiên phải đến ngôi nhà Đức Mẹ Maria bởi du lịch tâm linh là một điểm đặc biệt mà hầu như con người đều hướng tới bất kể theo hay không theo tôn giáo nào.
Ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi cao, trong rừng cây, khá khiêm tốn nhưng ngày nào cũng nườm nượp khách. Nhiều người chỉ đến chiêm ngưỡng nhưng cũng rất nhiều người đến cầu nguyện. Do gian phòng thờ Đức Mẹ khá nhỏ nên mỗi lần chỉ 6-7 người được cầu nguyện, cho dù thế, những người khác không hề sốt ruột, kiên nhẫn chờ.
Sau khi thăm ngôi nhà, mọi người có thể thắp nến ở bên ngoài đi xuống một nơi thấp hơn, ở đó có nhiều vòi nước dẫn ra từ mạch nước ngầm được cho là nước thánh. Rất nhiều người không chỉ uống mà còn đóng chai mang về.
Cảnh quan tuyệt đẹp của lâu đài Bông – Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Cạnh các vòi nước này có một bức tường, được gọi là Bức tường Ước. Như hầu hết các du khách khác, chúng tôi ghi điều ước của mình lên một tờ giấy và treo lên tường. Đồn rằng rất ứng nghiệm.
Vào đầu thế kỷ thứ 19, Anne Catherine Emmerich, một nữ tu dòng thánh Augustinô ở Đức bị bệnh nằm liệt giường, tường thuật một loạt các thị kiến rất chi tiết về cuộc đời của Giêsu, Maria và chuyến di cư của bà tới Ephesus từ hàng ngàn năm trước. Emmerich đã bị bệnh một thời gian dài trong tu viện nhưng đã nổi tiếng như một nhà thần bí và nhiều nhân vật tiếng tăm đã tới viếng thăm. Nhà văn Clemens Brentano người Đức đã ở lại tu viện 5 năm để gặp Emmerich mỗi ngày và ghi lại những gì bà tường thuật. Sau khi nữ tu Emmerich qua đời, Brentano đã xuất bản một quyển sách về những thị kiến của bà; và sau khi ông qua đời thì một quyển sách thứ hai gồm những ghi chú của ông cũng được xuất bản.
Một trong những thị kiến của Emmerich là sự mô tả ngôi nhà được cho là Maria cư ngụ đến khi lìa đời. Emmerich cung cấp nhiều chi tiết về địa điểm có ngôi nhà, địa hình của vùng lân cận. Quyển sách được xuất bản năm 1852 ở Đức.
Dựa vào sự mô tả trong quyển sách, tu sĩ người Pháp Julien Gouyet đã quyết định đi đến khu vực thành phố Ephesus cổ để tìm hiểu và ngày 18.10.1881, cuối cùng Gouyet đã phát hiện ra một ngôi nhà nhỏ bằng đá trên một ngọn núi nhìn xuống biển Aegea và những tàn tích của Ephesus. Ngày nay khu vực nơi có ngôi nhà đã thành thánh địa.
Trước khi bước vào căn phòng chính, nơi đặt tượng Đức Mẹ, có một căn phòng nhỏ đặt ảnh của Anne Catherine Emmerich.
Hôm đó, tôi đã ước, có một phép màu nào đó để mình biết được tất thảy điều ước của mọi người gắn lên bức tường này, chắc là vô vàn điều tốt đẹp. Nhưng đó cũng chỉ là điều ước.
Du khách say mê chụp ảnh ở lâu đài Bông – Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Lâu đài Bông
Nếu như đến ngôi nhà Đức Mẹ để “chăm sóc phần hồn” thì đến Pamukkale (lâu đài Bông) là để được chăm sóc về thể xác.
Lâu đài Bông nằm trong Hierapolis (tiếng Hy Lạp có nghĩa là thành phố thiêng liêng), là thành phố Hy Lạp – La Mã cổ đại ở Phrygia, nằm trên suối nước nóng ngầm ở phía tây nam Anatolia – quần thể cảnh quan văn hóa được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1988.
Các suối nước nóng được sử dụng như một bể tắm hơi kể từ thế kỷ thứ 2 TCN.
Thành phố bao gồm các phòng tắm lớn liên kết với nhau, được xây dựng bằng các khối đá khổng lồ mà không sử dụng chất kết dính nào khác. Cùng với đó là những bồn tắm, thư viện, phòng tập thể dục…
Chúng tôi đến Pamukkale vào buổi chiều, khi mặt trời bắt đầu xuống núi. Một cảnh tượng kỳ ảo hiện ra trước mặt: một thung lũng trắng xóa như tuyết nhưng đó là… đá. Người ta lý giải rằng khu vực nằm ở vết đứt gãy trong lòng đất do hoạt động núi lửa tạo ra các hang động chứa đầy khí cacbon dioxit và suối nước nóng Pamukkale, trầm tích do cacbon dioxit lâu ngày tích tụ tạo nên cấu trúc như những thửa ruộng bậc thang. Toàn khu vực có 17 suối nước nóng nhiệt độ từ 35°C đến 100°C.
Du khách tắm trong hồ nước khoáng ở lâu đài Bông – Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Nước nóng thường có nhiều từ mùa xuân, khi đó, nước tích tụ vào từng ô bậc thang màu xanh biếc. Du khách có thể thoải mái ngâm mình để hồi phục sức khỏe và chữa bệnh.
Hằng ngày, lâu đài Bông thu hút hàng vạn lượt khách tham quan và ngâm mình trong nước khoáng.
Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ thật là kỳ lạ, càng đi càng ước được đi.
Theo: Nguyễn Thế Thịnh-thanhnien
Xem thêm: